Bối cảnh Trận_Stalingrad

Ngày 6 tháng 12 năm 1941, sau khi chặn đứng đà tiến công của phát xít Đức vào thủ đô Moskva, Hồng quân Xô Viết mở đợt phản công nhằm vào các lực lượng của quân đội phát xít Đức (Wehrmacht) đang công kích thành phố và đã đánh họ bật ra khỏi ngoại vi của thủ đô Xô Viết.[22] Tuy nhiên đến mùa xuân năm 1942, cơ bản quân Đức chặn được đà phản công của Hồng quân và ổn định mặt trận tại phòng tuyến mới kéo dài từ Leningrad ở phía Bắc đến thành phố Rostov ở phía Nam. Có một số chỗ lồi trên mặt trận được hình thành do các đợt phản công của quân Đức, chủ yếu ở Tây Bắc của Moskva và phía Nam của Kharkov, tuy nhiên các vị trí này không đe dọa nhiều đến quân Đức. Ở phía Nam, phát xít Đức đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Ukraina và bán đảo Krym mặc dù lúc này Sevastopol và một phần bán đảo Kerch vẫn nằm trong tay Hồng quân Xô Viết.

Lúc này Bộ chỉ huy Đức, đứng đầu là Adolf Hitler, nhận thấy rằng không thể đánh thắng Liên bang Xô viết bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng. Để đánh thắng phía Đức phải tính đến cách đánh tiêu hao: trước tiên phải thủ tiêu các nguồn lực vật chất để Liên Xô suy kiệt trước khi bị đánh bại hoàn toàn. Chiến cuộc mùa hè năm 1942 diễn ra với ý tưởng chỉ đạo chiến lược như vậy và với mục tiêu chiếm những nguồn cung cấp chiến lược quan trọng hàng đầu của Liên Xô - lúa mì, các nguyên liệu công nghiệp sống còn là điện, than, và đặc biệt là dầu mỏ. Tất cả những thứ đó đều nằm ở phía Nam nước Nga, ở dãy núi KavkazBaku - trung tâm công nghiệp khai thác dầu mỏ lớn nhất của Liên Xô - và đó là những mục tiêu tối thượng của chiến dịch.

Vai trò của Stalingrad

Việc chiếm được thành phố này có tầm quan trọng rất lớn đối với Hitler và cả Mussolini vì hai lý do chính. Thứ nhất, đây là một thành phố công nghiệp lớn nằm trên sông Volga - con đường giao thông vận tải mang tầm quan trọng chiến lược nối liền Biển Caspi và miền Bắc nước Nga. Vì vậy việc để mất Stalingrad vào tay phát xít Đức sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận chuyển hàng hóa đến phía Bắc của đất nước. Thứ hai, việc đánh chiếm Stalingrad sẽ củng cố sườn phía Đông của quân Đức vốn đang tiến nhanh về vựa dầu tại vùng Kavkaz với mục tiêu cắt đứt nguồn cung ứng dầu hỏa cho Hồng quân Xô Viết.[23] Thêm nữa, thành phố này mang tên của lãnh tụ I. V. Stalin, việc đánh chiếm thành phố này cũng sẽ là một thắng lợi quan trọng về mặt tinh thần và tư tưởng.

Hồng quân Xô Viết nhận ra rằng họ đang chịu một sức ép nghiêm trọng về thời gian và nhân lực, vật lực, vì vậy tất cả những ai có thể cầm súng chiến đấu đều được điều về bảo vệ Stalingrad.[24] Vào thời kỳ này của chiến tranh, khả năng tác chiến cơ động cao của Hồng quân vẫn còn kém hơn so với phát xít Đức, tuy nhiên việc chiến đấu trong thành phố đã giúp giảm thiểu những thiệt thòi của Hồng quân vì nơi đây là địa bàn của việc giao tranh bằng vũ khí cầm tay của bộ binh chiếm ưu thế chứ không phải là nơi dành cho việc giao chiến giữa các lực lượng tăng thiết giáp.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Stalingrad http://books.google.com.au/books?id=6NLC9Rl-olAC&p... http://users.pandora.be/stalingrad/ http://collections.civilisations.ca/warclip/object... http://collections.civilisations.ca/warclip/object... http://collections.civilisations.ca/warclip/object... http://collections.civilisations.ca/warclip/object... http://www.awesomestories.com/history/battle-stali... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/562720/B... http://books.google.com/books?id=JnB7cM1zUG4C&prin... http://video.google.com/videoplay?docid=4562967572...